Hội chứng cây anh túc cao ăn sâu vào tiềm thức giới trẻ Trung Quốc
Ai cũng thích được người khác trầm trồ, thán phục, nhất là được khen.
Khoe giàu cũng nhằm mục đích đó.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng đây được coi là một loại bệnh, gọi là hội chứng Tall Poppy Syndrome (Hội chứng cây anh túc cao) - một thuật ngữ nổi tiếng chỉ những người thích khoe khoang tiền tài và địa vị xã hội.
Tại Trung Quốc, nhất là ở thành phố không thiếu những người như thế.

Có một báo cáo về xu hướng tâm lý của những hành vi xa xỉ ở Trung Quốc, trong đó cho biết:
Những người tiêu dùng hàng xa xỉ chủ yếu ở các thành phố lớn, độ tuổi từ 22 đến 45 tuổi. Đó cũng là độ tuổi của "người nghèo vô hình”.
Đặc điểm chung của họ là muốn làm cho mình trông giàu có hơn một chút và muốn sống trong ảo tưởng của sự trau chuốt.
Lý tưởng về cuộc đời của họ là: “Tiêu tiền để kiếm tiền".
Họ hét lên: "Cuộc sống rất ngắn ngủi, vậy nên, vui vẻ đến đâu thì đến", và hoàn toàn thả mình trong thế giới vật chất tiêu điều.
Chính sự bùng nổ của mạng xã hội, internet và điện thoại thông minh giá rẻ đã làm việc khoe giàu trở nên phổ biến và thành nhu cầu của rất nhiều người.
Những người giàu nhanh, mới giàu và giả giàu là những người hay khoe giàu nhất.
Chính những thứ hàng xa xỉ của những người mới giàu đó lại trở thành tiêu chuẩn cho những người “giả giàu” học theo.
Nhưng học theo mà lại không có tiền thì lại phải tìm đủ mọi cách để đạt được.
Chẳng hạn, trước khi thanh toán chiếc máy sấy tóc Dyson trị giá 3.000 nhân dân tệ, họ đã dành hẳn 1 tiếng để săn mã giảm giá 5% vào giữa đêm.
Họ thanh toán 10 buổi tập có PT riêng trị giá 400 nhân dân tệ trong một lần, nhưng vẫn chưa trả hết nợ trong thẻ tín dụng của tháng trước.
Trên mạng xã hội thường đăng ảnh du lịch, tiệc tùng, thực tế thì thậm chí họ không trả nổi tiền thuê nhà tháng sau.

Họ dùng kem mắt của LA MER, serum cao cấp của SK-II và son dưỡng của Dior, nhưng số tiền tiết kiệm trong thẻ ngân hàng gần như bằng không.
Bề ngoài của họ có vẻ giàu có, nhưng thực ra lại không có tiền. Vẻ ngoài sáng sủa, xinh đẹp nhưng tâm hồn bên trong lại không ai hay biết.
Mặt trái của ảo vọng giàu sang
Sự khoe mẽ giàu sang, thúc giục một lối sống thiếu văn hóa với những thị hiếu dung tục đã phát sinh nhiều hiện tượng bị xã hội lên án.
Chúng ta chiến đấu với những điều bất an bằng cách sửa chữa cuộc sống của mình, tạo ra ảo tưởng cho bản thân:
Không đủ tiền mua nhà, thì ít nhất phải được tự do son phấn.
Nếu bạn không có tiền để du lịch châu Âu 7 ngày, ít nhất bạn phải chiêu đãi bản thân bằng một cốc Starbucks vào giờ uống trà mỗi ngày.

Nếu bạn không thể lái một chiếc xe hơi sang trọng trong thế giới thực, thì ít nhất bạn cũng có thể sắm cho mình một bộ trang bị đắt tiền nhất trong game.
Vậy nên vô hình trung, "người nghèo vô hình" cứ thích cứ mua sắm, du lịch, giải trí và mong muốn thoát khỏi lo âu trong khi họ đang nợ nần rất nhiều.
Sự vào cuộc của chính quyền Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc cũng lường trước những hậu quả xấu do việc ham hư vinh, thích khoe giàu gây ra nên cũng có các chế tài, chiến dịch làm lành mạnh không gian mạng.
Mạng xã hội TikTok của nước này từ đầu năm 2021 đã bắt đầu cấm khoe khoang sự giàu có trên mạng của mình vì chúng quảng bá các giá trị không lành mạnh.

Nội dung bị cấm bao gồm:
Quảng bá sự sùng bái tiền bạc, sử dụng trẻ vị thành niên trong các video liên quan đến những sản phẩm xa xỉ và thể hiện địa vị xã hội của một người theo cách không phù hợp, bao gồm cả chế nhạo người nghèo.
Bịa đặt các câu chuyện - chẳng hạn từ rách rưới đến giàu có hoặc vừa du học về - để tiếp thị sản phẩm hoặc lừa đảo người dùng cũng nằm trong một danh mục cấm khác.
Sự thật giả lẫn lộn của cái gọi là “giàu sang” như cơn nghiện của không ít người, chỉ mang lại hệ lụy cho xã hội chứ không phải đích đến của một xã hội khá giả.