Trước tốc độ lây lan mạnh mẽ của đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại Việt Nam, nhà nước buộc phải siết chặt giãn cách xã hội. Không chỉ riêng người dân, các doanh nghiệp cũng vì thế mà gặp phải không ít khó khăn trong công tác sản xuất, hậu cần.
Tuy nhiên, để góp sức trong công tác phòng chống dịch, các doanh nghiệp đã kết hợp cùng các cơ quan chức năng để thực hiện CSR, cùng chung tay hỗ trợ đội ngũ tuyến đầu và cả cộng đồng.
Hai chuyến bay chở người dân Quảng Nam rời TP.HCM về quê hương
Đại diện Pacific Airlines cho biết, kể từ khi đại dịch bùng phát, hãng cũng đã triển khai các hoạt động tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa phục vụ công tác phòng chống dịch và tổ chức các chuyến bay hồi hương cho người dân về quê.
Hiện tại, các chuyến bay của hãng đều đang được thực hiện với mức phòng chống dịch cao nhất. Toàn bộ nhân viên phục vụ khai thác, tiếp xúc với hành khách cũng đều được tiêm vắc xin phòng chống COVID-19.
Ngày 31/7 vừa qua, hai chuyến bay - với tổng 380 hành khách có hoàn cảnh khó khăn - của Pacific Airlines với số hiệu BL6070 và BL6072 từ sân bay Tân Sơn Nhất - TP.HCM đã cất cánh về Quảng Nam.
Theo quy định của ngành hàng không, toàn bộ hành khách trên chuyến bay đều đã chủ động thực hiện xét nghiệm và có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 theo quy định của ngành hàng không.
Hai chuyến bay thuộc chương trình khai thác theo chương trình chung tay hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn ở TPHCM, do UBND tỉnh Quảng Nam, Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM và Pacific Airlines thực hiện.
Hai chuyến bay chở 380 hành khách rời TPHCM về Quảng Nam.
Chi phí cho hai chuyến bay này được Pacific Airlines thực hiện không lợi nhuận, chỉ tính chi phí cơ bản phục vụ cho chuyến bay. Chi phí này được tài trợ bởi một người con quê hương Quảng Nam.
Toàn bộ hành khách sau khi hạ cánh đều được UBND tỉnh Quảng Nam và cơ quan chức năng hướng dẫn ra ô tô và bố trí cách ly tập trung, đồng thời được lấy mẫu xét nghiệm định kỳ thường xuyên trong khi cách ly theo quy định.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, những người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 100% chi phí vé, ăn ở cũng như chi phí xét nghiệm trong thời gian cách ly.
Apollo Silicone lập đội xe cứu thương chống dịch tại TP.HCM
Trong khi đó, tại TP.HCM, các nam thanh niên của Apollo Silicone với mong muốn đóng góp cho công cuộc phòng chống dịch, đã tham gia vào lực lượng tài xế xe cứu thương chuyên chở F0 tại các bệnh viện dã chiến.
Trước mắt, đội xe gồm 5 xe cứu thương chuyên dụng hoạt động theo hình thức tự quản và được điều động 24/7 bởi các bệnh viện dã chiến cũng như các trung tâm y tế trên địa bàn thành phố.
Những thành viên của đội xe đều đã được đào tạo bài bản, đồng thời được trang bị đầy đủ các thiết bị y tế đạt chuẩn để chuyên chở các ca nhiễm F0.
Đội xe bắt đầu hoạt động từ 30/7 đến khi hết dịch và hiện đang được điều động bởi UBND thành phố Thủ Đức. Theo đó, đội xe sẽ được phân phối đến các bệnh viện quá tải của thành phố hoặc các cơ sở y tế để hỗ trợ kịp thời theo tình hình thực tế.
Sự hỗ trợ của đội xe cứu thương tình nguyện Apollo Silicone góp phần giảm áp lực cho hệ thống y tế của quận, huyện và giảm tử vong đối với các trường hợp nguy kịch.
Bên cạnh đó, công ty Apollo Silicone cũng lập đội hỗ trợ hậu cần tại khối văn phòng, để cung ứng nguồn nguyên liệu cho các bếp ăn, chung tay cùng với lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch.
Ông Ngô Quốc Cường - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Apollo Silicone chia sẻ:
"Chúng tôi xem việc chia sẻ trách nhiệm xã hội, chung vai gánh vác những khó khăn chung của cộng đồng là lẽ tất yếu, là trách nhiệm và là bổn phận của những người làm kinh doanh như chúng tôi".
Trước đó, Apollo Silicone đã cùng với đội ngũ khách hàng và các đối tác cũng như cộng sự đóng góp hơn 5 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch, hỗ trợ cho các khu vực Thủ Đức, Bình Tân, Gò Vấp,... và các đơn vị tuyến đầu chống dịch tại đây.
Thành lập các bệnh viện, cơ sở điều trị COVID-19
Bệnh viện dã chiến 600 giường từ nhà xưởng TTC IZ
Trước những diễn biến hết sức phức tạp và khó lường của dịch COVID-19 tại địa bàn tỉnh Tây Ninh, Thành Thành Công (TTC) đã đề xuất lãnh đạo địa phương trưng dụng nhà xưởng B9.6 (NX B9.6) làm bệnh viện dã chiến.
Nhà xưởng đáp ứng đủ các điều kiện về cơ sở vật chất để xây dựng bệnh viện, có thể được sử dụng để tiếp nhận điều trị các trường hợp nhiễm bệnh qua xét nghiệm hoặc F1, F2 chuyển sang F0 mà không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.
NX B9.6 của Khu công nghiệp Thành Thành Công toạ trên khuôn viên hơn 7.000 m2 với diện tích sử dụng lên đến 7.548 m2.
Đại diện TTC IZ chia sẻ rằng đây là cơ hội để công ty thể hiện trách nhiệm với địa phương, với cộng đồng:
“TTC IZ mong muốn sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường, để các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có thể an tâm sản xuất”.
Ngày 22/07/2021, theo Quyết định số 1637/QĐ-UBND, UBND Tây Ninh đã đồng ý thành lập Bệnh viện dã chiến số 01 với quy mô 600 giường trực thuộc Sở Y tế tại Khu công nghiệp Thành Thành Công.
Hình ảnh thực tế bên ngoài NX B9.6 được TTC IZ bàn giao cho tỉnh Tây Ninh làm bệnh viện dã chiến.
UBND tỉnh Tây Ninh cũng giao cho các Sở ban ngành và các bên liên quan triển khai Bệnh viện dã chiến số 01 và nhanh chóng đưa vào hoạt động.
Theo đó, Bệnh viện dã chiến số 01 còn có nhiệm vụ quan trọng là chủ động phân loại độ nặng của bệnh nhân để kịp thời chuyển tuyến phù hợp, nhằm giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên và hạn chế tỷ lệ tử vong.
Mặt bằng bên trong NX B9.6 sẽ được trưng dụng làm Bệnh viện dã chiến số 01 với quy mô 600 giường.
Sau khi đẩy lùi được đại dịch, toàn bộ khu vực của NX B9.6 sẽ được khử khuẩn và vệ sinh dịch tễ theo hướng dẫn của Sở Y tế, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, tính chung từ đầu mùa dịch đến tháng 7 năm nay, Tập đoàn TTC và DHA cũng đã có những đóng góp thiết thực cho Chính phủ và cộng đồng trong cuộc chiến chống COVID-19 với tổng số tiền mặt và trị giá hiện vật trị giá hơn 46 tỷ đồng.
Vào chiều ngày 7/7 vừa qua, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Tập đoàn TTC cũng đã tài trợ cho Sở Y tế tỉnh Tây Ninh một máy xét nghiệm Real-time PCR để hỗ trợ công tác xét nghiệm của tỉnh.
Hành động bàn giao thêm NX B9.6 để lập Bệnh viện dã chiến số 01, Tập đoàn TTC nói chung và TTC IZ nói riêng lại một lần nữa khẳng định quyết tâm chung tay cùng địa phương đẩy lùi đại dịch COVID-19.
Trung tâm điều trị COVID Hoàn Mỹ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ
Tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24/07 vừa qua, Tập đoàn Y Khoa Hoàn Mỹ cũng đã gửi Công văn đến UBND và Sở Y Tế TP.HCM, đề xuất Thành lập Trung tâm Điều Trị COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức.
Trong tình trạng các cơ sở điều trị COVID-19 công lập đang quá tải, đây là một giải pháp thiết thực nhằm san sẻ gánh nặng với ngành y tế thành phố trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng.
Chỉ hai ngày sau, Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức đã được UBND và Sở Y Tế TP.HCM chính thức chấp thuận, tạm thời chuyển đổi công năng của Bệnh viện thành Bệnh viện Điều trị Bệnh nhân COVID-19.
Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức là đơn vị tư nhân đầu tiên tham gia vào hoạt động điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP.HCM.
Cũng trong ngày 26/07, Phó Thủ Tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, trưởng ban Chỉ Đạo Quốc Gia về công tác phòng chống dịch COVID-19 đã có buổi làm việc với Bệnh Viện Đa Khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức.
Buổi làm việc này nhằm chỉ đạo và hướng dẫn công tác chuyển đổi công năng của bệnh viện thành Trung tâm Điều trị COVID-19.
Phó Thủ Tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm việc và chỉ đạo bệnh viện Hoàn Mỹ trong công tác chuyển đổi công năng.
Phó Thủ Tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam cũng đánh giá cao công tác chuẩn bị cũng như tinh thần hỗ trợ của Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức cùng Tập Đoàn Y Khoa Hoàn Mỹ trong công tác phòng chống dịch cùng TP.HCM.
Theo kế hoạch, Bệnh viện sẽ đưa vào hoạt động 100 giường (gồm 10 giường Hồi sức cấp cứu) trong giai đoạn 1 và nâng tổng số giường bệnh lên 200 (gồm 20 giường Hồi sức cấp cứu) vào giai đoạn 2.
Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ cũng đã đề xuất đến Sở Y Tế việc chỉ định Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn làm nơi điều trị bệnh nhân không mắc COVID-19.
Đồng thời, đề xuất Bệnh viện này tiếp nhận hơn 200 bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức khi cơ sở này chuyển thành Trung tâm điều trị COVID-19.
Theo dự kiến, Trung tâm Điều trị COVID-19 của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ sẽ đi vào hoạt động từ tuần tới tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức (số 241 Quốc lộ 1K, Phường Linh Xuân, Thành phố Thủ Đức).
Tổng hợp