null

Vào một ngày đầu tháng 6/2007, các thành viên trong gia tộc Pritzkers - vốn là những người thừa kế của một trong những gia tộc giàu nhất thế giới, đã tiếp tục làm rạng danh tên tuổi của dòng họ bằng món tiền tài trợ khủng trị giá 30 triệu USD trao cho Đại học Chicago (Mỹ) để phục vụ cho công tác nghiên cứu trong lĩnh vực y sinh.

Sự trỗi dậy của gia tộc Pritzkers từ thân phận của những kẻ nhập cư hèn kém không một xu dính túi trở thành những ông chủ ngồi trên núi tiền chính là minh chứng rõ nét dành cho bất cứ ai luôn mơ về giấc mơ Mỹ.

Giờ đây, gia tộc Pritzkers đã có thể đàng hoàng bước vào danh sách 400 gia tộc giàu nhất nước Mỹ với vị trí thứ 9 do tạp chí Forbes bình chọn năm 2020 cùng khối tài sản ròng là 32.5 tỷ USD.

Gia tộc Pritzkers nổi tiếng trên thế giới bởi họ là chủ nhân của chuỗi khách sạn hạng sang mang tên Hyatt. Họ còn được biết đến bởi hàng loạt các lĩnh vực đầu tư đình đám khác với sự hiện diện ở hầu như mọi nơi:

Từ sòng bạc, khu nghỉ dưỡng, ngân hàng, tín dụng, tàu du lịch siêu sang, và thậm chí cả hãng thuốc lá cùng nhiều loại hình làm ăn "hái ra tiền" khác.

Ông Nicholas Pritzker. Ông Nicholas Pritzker.

Có một điều đáng chú ý, là gia tộc gốc Do Thái này luôn tâm niệm "cho đi những gì mình có được" bằng các hoạt động từ thiện đầy ý nghĩa.

Nhiều triệu USD đã được tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ để triển khai thành các dự án phát triển tập trung vào giáo dục và chăm sóc sức khỏe khắp thế giới.

Đặc biệt hơn, sự tồn tại của một giải thưởng thường niên lớn mang tên Giải thưởng kiến trúc Pritzker - danh hiệu cao quý nhất của ngành kiến trúc thế giới - chính là nhờ vào sự đóng góp đầy hào phóng bằng khoảng tiền 100.000 USD mỗi năm của gia tộc Pritzker.

Giàu có và nổi tiếng là vậy, thế nhưng đây cũng chính là một dòng họ rất kín tiếng. 

"Họ chỉ quan tâm đến việc xây dựng một đế chế thật sự hơn là chạy theo sự nổi tiếng đầy phù phiếm do giới truyền thông tạo ra", Patrick Foley, cựu Chủ tịch Tập đoàn khách sạn Hyatt tiết lộ.

Giấc mơ Mỹ của cậu bé 10 tuổi gốc Do Thái

Nhiều năm về trước, có một cậu bé nhập cư 10 tuổi đến Mỹ với 2 bàn tay trắng và hoàn toàn không biết tiếng Anh. Cậu không có gì ngoài trí óc cực kỳ nhạy bén và một khát khao cháy bỏng rằng, mình chắc chắn sẽ thành công.

Nicholas đã phải tự học tiếng Anh bằng cách mày mò dịch tờ nhật báo Chicago Tribune bằng một cách "hết sức lòng vòng".

Trước tiên, cậu dịch từ tiếng Anh sang tiếng Đức, rồi tiếp đó sử dụng một quyển từ điển song ngữ Đức - Nga nhàu nát để dịch tiếp sang tiếng Ukraine.

Cậu tìm những công việc chân tay bị cho là hèn kém như bán báo, đánh giày, giúp việc ở các nhà hàng quán ăn... để kiếm sống qua ngày trước khi theo học nghề dược sĩ để trở thành một chân phụ bán thuốc.

Nicholas còn tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi buổi tối để theo học tại trường Luật DePaul, lấy bằng Luật sư và tự mở một văn phòng luật để hành nghề từ rất sớm, ở tuổi 30, mang tên Pritzker & Pritzker.

Ông Nicholas Pritzker (ngồi hàng đầu bên phải) cùng những đứa con trai nối nghiệp bố với nghề luật sư. Ông Nicholas Pritzker (ngồi hàng đầu bên phải) cùng những đứa con trai nối nghiệp bố với nghề luật sư.

3 cậu con trai của Nicholas là Harry, Abram, và Jack lớn lên bằng sự nỗ lực vượt bậc của cha mình và cũng quyết tâm đi theo nghề luật.

Cả 3 tốt nghiệp trường Luật và cùng hành nghề luật sư tại văn phòng của cha mình. Cậu con trai cả Harry chuyên về Luật hình sự, cậu em út Jack thì theo đuổi lĩnh vực pháp lý phục vụ nghề Bất động sản. Thế nhưng cậu con trai thứ tên là Abram Nicholas mới chính là ngôi sao của cả gia đình. 

Chàng trai tài năng này lại có vẻ như không hứng thú lắm với nghề Luật. Chứng kiến sự thay đổi chóng mặt của xã hội trong những năm đầu của thế kỷ 20, Abram Nicholas nhận ra rằng, đây chính là thời cơ tốt nhất để kiếm tiền bằng những thương vụ đầu tư hơn là ngồi hướng dẫn các khía cạnh luật pháp trong kinh doanh cho khách hàng của mình.

Vào thời điểm những năm 1930, mối quan tâm của Abram Nicholas trong công việc kinh doanh đã trở nên đa dạng hơn trước dẫn đến hãng luật Pritzker & Pritzker cũng khuếch trương dịch vụ của mình theo hướng đa ngành chứ không chỉ cung cấp mỗi dịch vụ tư vấn luật như trước nữa.

Abram Nicholas Pritzker. Abram Nicholas Pritzker.

Abram Nicholas được mô tả như là một nhà đàm phán thiên bẩm luôn có khả năng "hạ gục" bất cứ ai chỉ trong vài lần gặp đầu tiên.

Cú đầu tư hời nhất mà Abram Nicholas thực hiện cùng với một người bạn chính là việc "xuống tiền" mua một hệ thống máy pha cà phê với giá 25.000 USD để mở quán cà phê.

23 năm sau, họ đã sang nhượng lại cho người khác với một số tiền "lớn khủng hoảng": 23 triệu USD.

Abram Nicholas là một người kín tiếng với giới truyền thông.

"Bọn họ (phóng viên) không thèm quan tâm đến những hậu quả mà họ gây ra. Những gì họ muốn chỉ đơn giản là phải làm sao để ai đó thêm rối trí mà thôi", ông nói với phóng viên tờ Tribune chỉ vài tháng trước khi qua đời vào năm 1986 ở tuổi 90.

Một điểm đặc biệt khác của Abram Nicholas chính là việc ông thích việc kiếm tiền theo cách "thân ai nấy lo, hồn ai nấy giữ" chứ không mặn mà với việc làm ăn chung qua hình thức huy động vốn từ các cổ đông.

"Chúng tôi không tin vào các công ty đại chúng", ông nói trong một lần trả lời phỏng vấn hiếm hoi với báo chí.

"Bạn có thể mất một hợp đồng làm ăn lớn chỉ vì thông tin bị tiết lộ do phải chia sẻ qua nhiều người".

Đây cũng là tư duy kinh doanh mà hầu hết các thành viên của gia tộc này kiên trì theo đuổi khi mà hàng loạt các công ty tư nhân, liên doanh và các mối quan hệ hợp tác khác đều không báo cáo thông tin tài chính chi tiết ra bên ngoài.

Chinh phục thế giới từ thương vụ mua Hyatt House

Mặc dù cả 3 cậu con trai của Abram Nicholas đều thừa hưởng gen thông minh từ bố mình, thế nhưng cậu con trai cả Jay mới chính là truyền nhân đáng giá của dòng tộc.

Jay Pritzker, nhà sáng lập chuổi khách sạn mang tên Hyatt. Ảnh chụp năm 1940. Jay Pritzker, nhà sáng lập chuổi khách sạn mang tên Hyatt. Ảnh chụp năm 1940.

Cũng giống cha mình, Jay lại không mấy mặn mà với nghề Luật sư. Khả năng nhạy bén và khôn ngoan luôn thôi thúc ông phải trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực môi giới bất động sản.

Năm 1953, ông tìm cách xoay xở vay mượn được 95.000 USD để mua lại công ty Colson chuyên hoạt động trong ngành chế biến sắt thép vốn đang gặp một số rắc rối với đội ngũ công nhân.

Với sự tham gia của Bob, cậu em trai 26 tuổi của Jay vốn là một kỹ sư giỏi, chỉ trong một thời gian ngắn cải tổ lại hoạt động của Colson, công ty này bắt đầu làm ăn có lãi và đẻ ra tiền ngay sau đó.

Trong một chuyến công tác đến Los Angeles và ngồi nhâm nhi cà phê tại quán Fat Eddie ở sân bay quốc tế Los Angeles, ông đã quyết định "chốt deal" bằng cách mua lại Hyatt House, một khách sạn đang ăn nên làm ra luôn trong tình trạng "cháy phòng" với giá 2,2 triệu USD.

Năm 1957, Jay Pritzker quyết định chi ra 2.2 triệu USD để mua khách sạn Hyatt House nằm sát sân bay Los Angeles. Năm 1957, Jay Pritzker quyết định chi ra 2.2 triệu USD để mua khách sạn Hyatt House nằm sát sân bay Los Angeles.

Ban đầu, Jay có ý định mua Hyatt chỉ với suy nghĩ đơn thuần của một người chuyên hành nghề bất động sản mà thôi. Vào năm 1961, Hyatt đã mở rộng thành một chuỗi khách sạn với trụ sở chính đặt tại Burlingame.

Cũng trong năm đó, Donald Pritzker (còn được gọi là Don), Jay and Bob chính thức bắt tay nhau cùng quản lý chuỗi khách sạn này, trong đó, "Don chính là người đã thiết lập nên triết lý và văn hóa cho Hyatt", Patrick Foley, cựu chủ tịch tập đoàn khách sạn Hyatt nói.

Với khả năng điều hành của Don và sự tham gia của 2 em trai, Hyatt bắt đầu công cuộc bành trướng của mình một cách nhanh chóng.

Đây chính là một "cuộc cách mạng", biến chuỗi khách sạn Hyatt trở thành một người khổng lồ trong lĩnh vực khách sạn.

Kể từ đó, những khách sạn Hyatt mới với phong cách khác lạ lấy cảm hứng từ khách sạn Hyatt Regency Atlanta được liên tục mở ra trên khắp nước Mỹ và cuối cùng hiện diện khắp thế giới.

Khách sạn Hyatt Regency Atlanta năm 1967. Khách sạn Hyatt Regency Atlanta năm 1967.

Vào một ngày hè oi bức năm 1972, khi Don đang chơi tenis tại khu khách sạn Hyatt ở Hawaii thì đột nhiên ông cảm thấy choáng váng. Vài năm sau cái chết của Don, tập đoàn Hyatt dần được chuyển giao cho những hậu duệ tài năng đời thứ 3 của gia tộc Pritzker.

Tom Pritzker, ngôi sao sáng của dòng họ Pritzkers. Tom Pritzker, ngôi sao sáng của dòng họ Pritzkers.

Trong khi Tom chịu trách nhiệm quản lý điều hành công việc hàng ngày của chuỗi khách sạn Hyatt vào những năm 1980 - 1990, thì mảng xây dựng và mở rộng quy mô của Hyatt lại được tin tưởng đặt vào tay Nick Pritzker, một trong những người họ hàng gần gũi với Tom.

Nick là chủ tịch của Công ty Phát triển Hyatt có nhiệm vụ xây mới các khu nghỉ dưỡng và khách sạn.

Công ty thành viên này được chính tay Nick lập nên vào năm 1997 với mục đích quản lý khối tài sản khổng lồ của gia tộc Pritzker cùng hàng loạt những thương vụ mua bán, sát nhập khách sạn trị giá nhiều tỷ USD.

Penny Pritzker là một phụ nữ hiếm hoi được giao quyền quản lý trong tập đoàn gia đình Hyatt. Bà cũng phục vụ cho chính quyền Obama trong vai trò Thư ký Bộ thương mại Hoa Kỳ. Penny Pritzker là một phụ nữ hiếm hoi được giao quyền quản lý trong tập đoàn gia đình Hyatt. Bà cũng phục vụ cho chính quyền Obama trong vai trò Thư ký Bộ thương mại Hoa Kỳ.

Hyatt Regency ở Việt Nam với những dự án "đỉnh cao của sự sang trọng"

Tại Việt Nam, tập đoàn Hyatt cũng đánh dấu sự hiện diện của mình bằng những dự án lớn được định danh ở phân khúc cao cấp.

Khách sạn Park Hyatt Saigon. Khách sạn Park Hyatt Saigon.

Hyatt Regency được khởi công xây dựng và đi vào vận hành hoạt động với hai dự án "siêu phẩm" sang trọng và đẳng cấp là Park Hyatt Sài Gòn (năm 2005) và Hyatt Regency Đà Nẵng (năm 2011).

Bên cạnh đó, dự án khách sạn Hyatt Regency Nha Trang là dự án thứ 3 của tập đoàn Hyatt tại Việt Nam được khởi công năm 2018, và Park Hyatt Phú Quốc được ra mắt vào cuối năm 2019.

Gần đây nhất, vào 10/2021, Tập đoàn Hyatt chính thức công bố dự án Hyatt Regency Ho Tram Resort & Spa.

Đây là dự án tổ hợp biệt thự, khách sạn nghỉ dưỡng sang trọng tọa lạc tại đường Ven Biển, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Hyatt Regency Ho Tram Resort & Spa được quy hoạch trên khu đất có tổng diện tích hơn 9ha, cung ứng ra thị trường 63 căn biệt thự biển và khối khách sạn hơn 250 phòng tiêu chuẩn 5 sao. Trong đó, phân khu biệt thự biển được gọi là Hyatt Regency Ho Tram Residence.

Đây là một dự án "khủng" cả về giá trị đầu tư, quy mô xây dựng lẫn thời gian thực hiện.

Tháng 6/2003, dự án dự án Hyatt Regency Ho Tram Resort & Spa (có tên pháp lý là Khu du lịch Mặt Trời Buổi Sáng) được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, thế nhưng đến 09/11/2020, UBND huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) mới phê duyệt cho phép triển khai dự án này.

Ngày 24/4/2021, dự án Hyatt Regency Ho Tram Resort & Spa đã được tổng thầu Coteccons và đơn vị phát triển IFF Holdings làm lễ khởi công với thời gian dự kiến hoàn thành và chính thức vận hành vào quý 3/2023.

Dự án Hyatt Regency Ho Tram Resort & Spa tại huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Dự án Hyatt Regency Ho Tram Resort & Spa tại huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

Chủ đầu tư hiện tại của dự án Hyatt Regency Resort & Spa là Công ty TNHH Hồ Việt Capital nắm giữ phần lớn số vốn đầu tư lên tới 90%. Phần còn lại là đóng góp của 2 cổ đông nhỏ lẻ khác.

Theo CafeF