Cơ hội “ngược dòng" cho Twitter
Mặc dù là một trong số những tên tuổi mạng xã hội đời đầu, Twitter không có được nguồn lợi nhuận khổng lồ như các đối thủ lớn như Facebook và Instagram.
Twitter - một trong những trang mạng xã hội “lão làng”.
Sau một thập kỷ không có nhiều đổi mới, hiện người dùng trẻ có xu hướng tìm đến các trang mạng thú vị hơn, giới đầu tư cân nhắc rót vốn vào những tên tuổi hàng đầu, theo thời gian Twitter dường như tụt hậu phía sau cuộc chơi.
Để thay đổi, Twitter đang thử nghiệm tính năng "Super Follows" hỗ trợ người dùng theo dõi những nhân vật họ đặc biệt yêu thích.
Tính năng “Super Follows" mới được ra mắt trên Twitter.
Bắt nhịp xu hướng kiếm tiền từ Internet, nền tảng Twitter bổ sung thêm bản tin Revue, tích hợp tính năng với một số công cụ tạo ra thu nhập cho người dùng nhờ thực hiện các nhiệm vụ trên mạng.
Hơn bao giờ hết, trước sự thay đổi trong cơ cấu bộ máy khi Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập Jack Dorsey từ chức, 2022 là thời điểm cải thiện và bứt phá cho Twitter.
Uber, Deliveroo và Gig Economy sẽ tiếp tục “chật vật"
Nền kinh tế giao hàng, vận tải vẫn phát triển tại một số nước trong bối cảnh đại dịch bùng phát.
Tuy nhiên, lợi nhuận từ thị trường này không tăng trưởng nhiều.
Uber đã tăng giá 10% ở London (Anh) nhưng vẫn gặp khó trong việc tuyển tài xế. Lợi nhuận của ngành này chẳng là bao so với lượng tiền đầu tư khổng lồ.
Thị trường này cũng ghi nhận cuộc cạnh tranh lao động gay cấn giữa loạt các công ty khởi nghiệp và người chơi lâu năm như Uber.
Một số startup cam kết giao hàng trong vòng 10 phút như Getir, Weezy,... cung cấp chiết khấu khủng và dịch vụ giá rẻ, cố gắng thu hút nhiều khách hàng hơn nhưng đổi lại vốn huy động là một rào cản lớn.
Lực lượng tài xế cũng là yếu tố cạnh tranh mới khi hàng loạt startup giao hàng nhanh ra đời, cung cấp chiết khấu lớn cho tài xế nhưng vẫn đảm bảo phí giao hàng rẻ. Tuy nhiên, đó cũng là cách "đốt" tiền nhanh nhất.
2022 - thời đại của Blockchain
NFT đón đầu xu hướng
Dù ít hay nhiều, bất cứ người sử dụng internet nào cũng đã nghe về NFT - mã thông báo không thể thay thế đã làm mưa làm gió trong năm 2021.
Hoạt động như một chữ ký ảo, NFT chứng minh tính xác thực của tác phẩm nghệ thuật, trong đó blockchain đóng vai trò minh chứng quyền sở hữu không thể xóa bỏ.
Trong năm 2021, nhiều tác phẩm nghệ thuật dưới dạng NFT được ra mắt.
Tuy nhiên, một số người vẫn hoài nghi về giá trị thực sự của chúng, bên cạnh ranh giới mờ nhạt giữa quyền sở hữu tác phẩm và quyền sở hữu blockchain gắn với chúng.
Những người ủng hộ xu hướng này cho biết, khả năng sở hữu các tác phẩm số hóa tạo điều kiện thực hiện công việc sáng tạo như tạo logo cho công ty, đánh dấu tài sản sở hữu trí tuệ hay đơn giản nhất là tạo hình đại diện mang đậm dấu ấn cá nhân.
Mặt khác, cần lưu ý rằng sự tồn tại của NFT chỉ có ý nghĩa khi người dùng coi trọng các tác phẩm nghệ thuật được gắn mã.
Nghệ thuật đương đại tăng giá đáng kể với NFT.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, nếu chỉ đổ vốn mua hàng loạt sản phẩm NFT có thể dẫn đến thua lỗ lớn.
Bên cạnh đó, cả người mua lẫn người bán đều phải trả phí nền tảng, số tiền này có thể lên đến hàng trăm đô la.
“Hậu CEO” của Twitter sẽ thành lập công ty Blockchain
Đồng sáng lập Twitter không giấu sở thích tiền mã hóa trên trang cá nhân.
Dòng tweet đầu tiên của Jack Dorsey gắn mã NFT được bán giá 2,9 triệu USD.
Sau khi từ chức CEO Twitter, Jack Dorsey đã đổi tên công ty thanh toán trực tuyến Square thành Block. Trong năm 2022, nhiều khả năng Dorsey sẽ thành lập công ty con liên quan đến blockchain.
Ngoài ra, sẽ không ngạc nhiên nếu công ty có sự tham gia của Peter Thiel, đồng sáng lập PayPal với vai trò nhà đầu tư.
Có thể nói sự hấp dẫn của blockchain đã đạt đến độ chín và ngày càng hấp dẫn người chơi trong ngành.
Metaverse - bước tiến lớn của giới công nghệ
Kể từ sự kiện Facebook vươn mình thoát khỏi khái niệm mạng xã hội để đến với thế giới Metaverse, loạt công ty từ các ngành giải trí, game, thời trang... cũng tham gia vào cuộc đua trong siêu thế giới ảo này.
Metaverse đơn giản được hiểu là siêu vũ trụ ảo và ở đây thì các không gian vũ trụ ảo cùng tồn tại, trong khi đó thì tiền tố 'meta' có nghĩa là vượt lên.
Công ty mẹ Facebook đổi tên thành Meta.
CEO Mark Zuckerberg muốn hướng tương lai công ty vượt xa hơn nữa thông qua việc xây dựng và đưa trải nghiệm người dùng theo chủ nghĩa Minimalism - tối đa hóa, kết nối trực tiếp đến một thế giới được gọi là Metaverse.
Cơ hội mới cho thực tế ảo - VR
VR - Công nghệ thực tế ảo từng "hot" một thời nhưng để lại nhiều bất cập như người dùng "nhập vai" quá mức hoặc sống "cuộc sống hoàn toàn trực tuyến" với chiếc tai nghe không bao giờ rời tai.
Khi nhắc đến VR, chúng vẫn gắn với những chiếc kính cồng kềnh.
Hàng loạt khuyến cáo được đưa ra và người dùng dần xa lánh thực tế ảo. Đòi hỏi thiết bị đắt tiền nhưng nội dung nghèo nàn của VR khiến người dùng thất vọng.
Ngay cả khi giới thiệu vũ trụ ảo (metaverse), Facebook cũng lấy kính VR làm thiết bị trọng tâm.
Trước đây, kính VR không phổ biến do nặng nề, thiếu nội dung nhưng với sự phổ biến của Metaverse, VR có thể đóng vai trò quan trọng và thu hút nhiều người dùng hơn.
Kết hợp với Metaverse, VR chắc chắn sẽ trở thành một dạng thực tế ảo khác được hứa hẹn mang lại trải nghiệm phong phú và lành mạnh hơn.
Web 3.0
Cùng metaverse, Web 3.0 được kỳ vọng sẽ trở thành tương lai của công nghệ.
Mục tiêu của nền tảng mới là giải quyết những hạn chế từ Web 2.0. Tuy nhiên, dù đã được phát triển nhiều năm, Web 3.0 vẫn chưa thực sự thành hình.
Ông Tim Berner-Lee, người phát minh World Wide Web gọi là Semantic Web, cũng là “cha đẻ" của Web 3.0.
Hệ thống được tạo ra với mục đích trở thành một mạng Internet tự chủ, thông minh và cởi mở hơn. Trên Semantic Web, máy móc sẽ xử lý nội dung giống con người.
Esther Crawford, Giám đốc dự án cấp cao của Twitter cho biết mạng xã hội này đang nghiên cứu cách để đưa các khái niệm của Web 3.0 vào nền tảng.
“Trước đây, Web 3.0 chỉ là lý thuyết. Hiện tại, nó là động lực để xây dựng hệ thống”, bà Crawford nói.
Meta, tiền thân là Facebook cho biết ưu tiên của họ là xây dựng metaverse.
Khả năng tương tác mạnh mẽ, sử dụng một tài khoản cho nhiều trang, dịch vụ một cách liền mạch là một trong các nguyên tắc được Meta nêu ra. Đó cũng là một phần của định nghĩa Web 3.0.
“Tôi nghĩ rằng nhiều tính năng từ Web 3.0 được thiết kế cho việc tương tác. Điều đó sẽ giúp giảm thiểu lỗ hổng giữa các ứng dụng, mang lại người dùng có trải nghiệm liền mạch hơn”, Mark Zuckerberg, CEO Meta chia sẻ.
Điều tốt nhất vẫn chưa đến
Nhiều đổi mới công nghệ dự kiến sẽ được tung ra thị trường vào năm 2022 vẫn đang ở giai đoạn đầu.
Chưa kể, công nghệ ra mắt vào năm 2022 có thể sẽ là bước đệm cho những tiến bộ vượt bậc hơn sẽ sớm xảy ra sau đó.
Vì vậy, hãy luôn cởi mở để đón nhận những khả năng vô tận mà công nghệ tương lai sẽ mang lại.
Anh Thư - Trends Việt Nam, nguồn tổng hợp và biên dịch từ The Guardian