Influencer Marketing có thể là đòn bẩy tốt cho một thương hiệu nhưng cần biết cách tận dụng nó.
Một chiến dịch tạo nên tiếng vang bao gồm 3 yếu tố: sáng tạo, có hệ thống và chắc chắn cần sự phối hợp ăn ý giữa influencer (người ảnh hưởng ) và thương hiệu.
Báo cáo "State of influencer in Asia in 2021" do Anymind cung cấp cái nhìn tổng quan về 5 xu hướng influencer marketing xuất hiện trong năm 2021 và có khả năng phát triển trong tương lai mà nhà tiếp thị cần nắm bắt.
5 Xu hướng influencer marketing giới tiếp thị nội dung cần biết và bài học kinh nghiệm
1. Người ảnh hưởng ra mắt thương hiệu
Trong ngành sáng tạo, người ảnh hưởng và nhà sáng tạo nội dung trên toàn khu vực đang có xu hướng ra mắt các thương hiệu và sản phẩm riêng dựa trên kiến thức chuyên môn, niềm đam mê cũng kinh nghiệm sống.
Sự tương tác và kết nối với người ảnh hưởng sẽ giúp người theo dõi có cái nhìn chân thực hơn về chất lượng thực sự của sản phẩm, nhờ đó họ đưa ra quyết định tiêu dùng.
Người ảnh hưởng không còn đứng ngoài quảng bá sản phẩm, họ tạo ra sản phẩm riêng. Vì vậy xu hướng hợp tác sản xuất sản phẩm giữa brand và người ảnh hưởng cũng dần trở nên phổ biến.
Có thể kể đến nổi bậc như dòng son Miracle Apo x Changmakeup đang làm mưa làm gió ở Việt Nam, dòng M.A.C x Chris Chang, Colourpop x Jenn Im…
Bộ sưu tập son dưới sự kết hợp của Miracle Apo và beauty blogger Changmakeup.
Tất cả những dòng sản phẩm kể trên đều là những ví dụ điển hình cho sự hợp tác tuyệt vời giữa các thương hiệu làm đẹp và người nổi tiếng (Celebrity Beauty Collaboration) đang nở rộ trong những năm trở lại đây.
2. Kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng và thương mại
Hành vi của người tiêu dùng đã có những thay đổi đáng kể do tác động của đại dịch, với xu hướng chuyển dịch dần sang thương mại điện tử và mô hình kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng (D2C).
Nhà tiếp thị và thương hiệu có thể tìm hiểu tại bí quyết kinh doanh D2C hiệu quả của các thương hiệu mỹ phẩm được gen Z ưa chuộng đã đăng trên Trends Việt Nam.
Hãy kết hợp với người ảnh hưởng để tạo ra những nội dung thu hút nhằm tăng tương tác và lượt click.
Hậu cần (logistics) đang trở thành điểm tiếp xúc quan trọng với khách hàng - và cũng là điểm tiếp xúc duy nhất đối với các thương hiệu thương mại điện tử.
Do đó dữ liệu và trải nghiệm khách hàng trong lĩnh vực hậu cần trở thành chìa khóa cho các nhà tiếp thị.
Để nâng cao trải nghiệm mua sắm trực tuyến của khách hàng, khâu giao hàng nhanh rất cần thiết và đặc biệt vào những dịp flash sale, campaign day.
Ở Việt Nam, có thể nói Boxme là doanh nghiệp đang đi tiên phong trong việc cung cấp 1 giải pháp Fulfillment (giải pháp đưa sản phẩm trực tuyến tới khách hàng) hoàn chỉnh và chuyên nghiệp, tương đồng với các giải pháp Fulfillment ở nước ngoài..
Giải pháp fulfillment của Boxme giúp tăng tốc khâu vận hành giao hàng nhanh đến tay khách hàng.
Việc áp dụng công nghệ vào phân tích dữ liệu giúp Boxme phân chia chính xác những đơn hàng cần xử lý theo từng khung thời gian, từng hãng vận chuyển. Việc này giúp tăng khả năng xử lý đơn tại kho hàng của Boxme lên rất nhiều lần so với việc làm thủ công.
Trung tâm fulfillment mới của Boxme sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ 15/10/2021.
Việc sử dụng dịch vụ Fulfillment chuyên nghiệp giúp giảm những sai sót và tăng tốc khâu vân hành đem đến sự hài lòng cho người tiêu dùng, tăng trải nghiệm thú vị cho người dùng.
3. Sự lớn mạnh của social commerce
Social Commerce là phương thức bán hàng trực tiếp thông qua các nền tảng mạng xã hội.
Hình thức này cung cấp cho người dùng khả năng thanh toán trực tiếp ngay trên nền tảng mạng xã hội mà họ đang sử dụng tại điểm phát sinh đơn hàng.
Liên quan tới social commerce, conversational commerce là một kênh thương mại tiềm năng khác, nơi người dùng có thể đặt câu hỏi, bình luận về sản phẩm và mua hàng trực tiếp từ người bán thông qua các ứng dụng chat.
Case study conversational commerce:
Để giới thiệu món burger McSpicy của McDonald’s, Leo Burnett đã tạo ra một chiến dịch quảng cáo cực kỳ hấp dẫn mời gọi khách hàng tham gia trên mạng xã hội với cuộc thảo luận trên bàn ăn tối: Nó cay như thế nào?
Người ăn tham gia đánh giá độ cay của món burger McSpicy của McDonald’s.
Chiến dịch dựa trên sự chủ quan về mức độ cay của đồ ăn bằng cách khuyến khích mọi người tham gia #McSpicyDebate.
Khách hàng có thể đánh giá độ cay của món mới trên mạng xã hội bằng cách chọn mức độ cay họ có thể chịu đựng: “ cay nhẹ”; “khá cay”, “nóng” và “miệng tôi đang bốc cháy”.
McDonald’s cho biết họ muốn tạo ra một chiến dịch tập trung vào cuộc tranh luận về các gia vị họ thử và kết quả khiến mọi người bàn tán về chúng trong bữa ăn.
4. Đăng ký nội dung trả tiền
Nhiều người ảnh hưởng đã tạo dựng được tên tuổi thông qua các nội dung xoay quanh lĩnh vực chuyên môn của họ.
Gần đây, người ảnh hưởng có xu hướng phát triển các gói nội dung chuyên sâu mà người dùng phải đóng phí để có thể theo dõi.
Người ảnh hưởng cung cấp cho người hâm mộ cái nhìn sâu hơn về một chủ đề cụ thể như video hậu trường, sách điện tử, công thức nấu ăn, lớp học trực tuyến, v.v., .
Bên cạnh xu hướng ra mắt thương hiệu riêng, việc người ảnh hưởng làm ra các nội dung trả tiền tạo nên mối đe dọa cho nhà tiếp thị và thương hiệu khi họ không còn phụ thuộc vào nguồn tài trợ như trước.
Case study:
Sử dụng Patreon để kêu gọi vốn, đây là trang web hỗ trợ hình thức crowdfunding (gọi vốn cộng đồng) có uy tín thế giới, thành lập từ năm 2013.
Nói cách khác, đấy là hình thức xin tài trợ vốn nhất định từ công chúng để tạo ra nội dung chất lượng thay vì phụ thuộc vào số vốn lớn từ thương hiệu.
Hình thức trả phí này chưa phổ biến tại Việt Nam, tuy nhiên influencer ở nhiều quốc gia đã tận dụng khá rộng rãi.
Các hình thức trả phí cho podcast You’re wrong about trên nền tảng Patreon.
You're Wrong About là một podcast lịch sử do Michael Hobbes & Sarah Marshall tạo ra. Mike và Sarah là những nhà báo bị ám ảnh bởi quá khứ.
Mỗi tuần, họ nhắc lại một người hoặc một sự kiện đã bị nhầm lẫn trong trí tưởng tượng của công chúng.
Bằng cách đăng ký trả tiền, bạn có thể mở khóa 12 podcast độc quyền, nghe ở mọi nơi và kết nối qua tin nhắn riêng tư.
Có bốn cấp độ đăng ký:
- Lee Atwater's Ghost ($ 2 mỗi tháng)
- Debunkmates ($ 5 mỗi tháng)
- Cửa hàng trang điểm của Tammy Faye ($ 10 mỗi tháng)
- Một nơi trên bức tranh tường ($ 25 mỗi tháng)
Thông qua hình thức này, họ tạo ra nội dung chất lượng theo phong cách riêng mà không bị phụ thuộc nội dung vào nhà tài trợ.
5. Sự bùng nổ dữ liệu
Nhờ vào sự phát triển của công nghệ hiện nay, các nhà tiếp thị có thể nhanh chóng tiếp cận các dữ liệu giúp đo lường kết quả chiến dịch cũng như những tiêu chí cần thiết cho một chiến dịch influencer marketing.
Ngoài ra, các nhà tiếp thị có thể dựa vào các dữ liệu kể trên để cải thiện chiến dịch và thu hút người ảnh hưởng với những đặc điểm phù hợp cho chiến dịch quảng bá.
Ví dụ điển hình nhất về influencer marketing là Daniel Wellington. Thương hiệu tiên phong cho hình thức tiếp thị cực kỳ hiệu quả này.
Vào năm 2010, để chuẩn bị cho màn trở lại, họ tận dụng khoảng 30 nghìn đô la để sử dụng micro influencer (người ảnh hưởng có lượt 10k - 100k theo dõi trên nền tảng mạng xã hội) thay vì sử dụng top stars (ngôi sao lớn) như thông thường.
Influencer trong chiến dịch quảng bá đồng hồ của Daniel Wellington.
Trong chiến dich này, Daniel Wellington cung cấp đồng hồ miễn phí cho influencer để đổi lấy một bài đăng trên tài khoản Instagram.
Để đo lường dữ liệu hiệu quả, họ đã thông minh yêu cầu influencer cung cấp mã giảm giá riêng cho người theo dõi.
Điều này không chỉ cung cấp giá trị bổ sung cho người tiêu dùng tiềm năng mà còn đo lường hiệu quả doanh số bán hàng mà từng influencer mang lại.
Quảng bá truyền thống cũng có thể tiếp cận một lượng người, nhưng thông qua việc sử dụng micro - influencer, chi phí quảng bá giảm đi đáng kể.
Daniel Wellington ngày nay là thương hiệu đồng hồ được công nhận nhất, hiện là đế chế trị giá 228 triệu đô la. Họ là ví dụ hoàn hảo về việc tận dụng influencer marketing để mở rộng quy mô kinh doanh.
Influencer marketing ngày càng trở thành một nhu cầu cần thiết đối với các nhà tiếp thị. Những người có ảnh hưởng có thể giúp tạo tiếng vang trực tuyến về thương hiệu, cải thiện mức độ tương tác của khán giả và tăng chuyển đổi.
Bên cạnh đó, nó cũng tăng doanh thu bằng cách nâng cao hình ảnh của thương hiệu và tạo nhiều kết nối hơn cũng như giúp thương hiệu đạt được mục tiêu của mình.
Hồng Trâm - Trends Việt Nam