Báo cáo vừa công bố của Counterpoint Research cho thấy, người dùng toàn cầu chi tới 448 tỷ USD trong năm 2021 cho việc mua sắm điện thoại thông minh, mức cao nhất trong lịch sử.
Vậy đâu là lý do khiến thị trường bùng nổ bất chấp dịch bệnh ảnh hưởng tới khả năng chi trả của khách hàng, chuỗi cung ứng sản xuất bị đứt gãy?
Doanh thu toàn thị trường điện thoại năm 2021 đạt 448 tỷ USD.
Apple thắng lớn, giá trung bình tăng cao
Con số 448 tỷ USD cũng cao hơn gần 15% so với mức 382 tỷ USD mà các nhà sản xuất điện thoại thông minh thu về trong năm 2020.
Trong đó, riêng doanh thu của Apple từ việc kinh doanh iPhone chứng kiến mức tăng 35% trong năm vừa qua so với năm 2020, đạt 196 tỷ USD - tương đương 44% tổng doanh thu toàn thị trường.
Phần lớn nguồn thu của “Nhà táo” đến từ các máy iPhone 13 mà hãng giới thiệu vào tháng 9/2021.
Sự ra đời của iPhone 12 và iPhone 13 còn khiến giá bán trung bình của iPhone tăng thêm 14% trong năm 2021, lên mức 825 USD.
Cộng thêm việc thị phần của Apple trong ngành gia tăng càng khiến giá trung bình của smartphone trên thị trường bị đẩy lên cao.
Tính trung bình cả thị trường, khách hàng tất nhiên càng phải bỏ thêm nhiều tiền để mua điện thoại trong năm 2021.
Theo các chuyên gia, chỉ số ASP tăng đồng nghĩa với việc người dùng phải chi nhiều tiền hơn cho smartphone của Apple.
Công ty hiện bán phiên bản rẻ nhất là iPhone SE 2020 giá 399 USD và cao nhất là iPhone 13 Pro Max 1 TB giá 1.499 USD.
Báo cáo cũng nêu, bên cạnh các khu vực trọng điểm như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, nhu cầu iPhone tăng cao tại các thị trường mới nổi như Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan và Brazil cũng giúp Apple gặt hái thành công.
Trước đó, thống kê của Counterpoint Research tại Việt Nam năm 2021 cũng cho thấy, Apple đạt mức tăng mạnh nhất với tỷ lệ tới 119%, gấp 2,2 lần năm 2020.
Nhờ đó, thị phần điện thoại của hãng tại Việt Nam tăng từ 4% lên 9%.
Giá trung bình sản phẩm của Apple cao hơn gấp 3 lần so với Samsung.
Trong khi đó, dù dẫn đầu về doanh số smartphone, doanh thu của Samsung chỉ đứng sau Apple với 72 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2020.
Mức giá trung bình của các mẫu điện thoại đến từ thương hiệu Hàn Quốc chỉ tăng 5% trong năm qua, dù hãng cố gắng trong việc tung ra thêm nhiều sản phẩm nhóm cao cấp, trong đó có Galaxy Z Fold 3 5G và Z Flip 3.
Trào lưu 5G gây áp lực tăng giá
Giá trung bình của smartphone ngày một tăng cao còn đến từ lý do kết nối 5G trở nên phổ cập hơn.
Trong năm 2021, mức tăng giá này là 12%, chủ yếu do sức tiêu thụ mạnh của iPhone 13 và trào lưu phổ cập thiết bị 5G.
Thực tế, điện thoại tích hợp 5G chiếm tới 40% tổng số điện thoại thông minh bán ra trong 12 tháng vừa qua, cao hơn nhiều mức 18% của năm 2020.
5G là trang bị được các nhà sản xuất đưa ra để thuyết phục khách hàng rút thêm hầu bao sắm smartphone, bất kể sản phẩm thuộc phân khúc nào.
Điện thoại thông minh 5G dần "chiếm sóng" tại thị trường công nghệ.
Kể cả tại những quốc gia 5G chưa được phủ sóng, việc mua điện thoại có 5G được cho là cách để đầu tư cho tương lai, đảm bảo sản phẩm không bị lỗi thời khi kết nối này trở nên phổ biến.
Chi phí sản xuất điện thoại giá rẻ tăng
Việc thiếu hụt linh kiện, chi phí hậu cần, logistics tăng cao… khiến các nhà sản xuất phải tăng giá bán lẻ sản phẩm, đặc biệt là các dòng máy thuộc phân khúc giá rẻ.
Thị trường smartphone có thể bùng nổ hơn trong năm 2021.
Các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc, nắm giữ phần lớn thị phần ở phân khúc giá rẻ, trải qua năm kinh doanh ấn tượng.
Trong đó, Oppo sau khi sáp nhập OnePlus vào quý 3/2021 công bố doanh thu tăng tới 47%, đạt 37 tỷ USD, trong năm 2021.
Theo giới chuyên môn, các sản phẩm trong khoảng giá 400-599 USD và 600-799 USD của thương hiệu này phát triển tốt trong thời gian qua, với các mẫu Reno 6, Find X3 hay OnePlus 9.
Trong khi đó, doanh thu của Xiaomi cũng tăng tới 49%, đạt 36 tỷ USD, tập trung vào các dòng sản phẩm tầm trung và cao cấp như Mi 11x.
Từ lâu, thị trường lớn nhất của Xiaomi là Ấn Độ. Đây là nơi các smartphone tầm trung và giá rẻ được ưa chuộng nhất, giúp Xiaomi luôn là nhà sản xuất số 1 thị trường.
Vivo cũng thu về 34 tỷ USD, tăng trưởng 43% trong năm vừa qua.
Nhiều chuyên gia nhận định, dù xác lập kỷ lục mới về doanh thu, thị trường điện thoại thông minh 2021 có thể bùng nổ hơn nữa.
Nếu không bị kìm hãm bởi tình trạng thiếu linh kiện nói chung và chip bán dẫn nói riêng, vốn rất trầm trọng trong giai đoạn cuối năm.